Kế toán quản trị có vai trò đặc biệt quan trọng đối với việc ra các quyết định kinh doanh của doanh nghiệp. Vậy có những yêu cầu gì đối với thông tin kế toán quản trị? Làm sao để lựa chọn thông tin kế toán quản trị thích hợp? Mời quý độc giả cùng theo dõi bài viết này để xây dựng các yêu cầu đối với thông tin kế toán quản trị hiệu quả cho doanh nghiệp.
Thông tin kế toán quản trị có những yêu cầu gì?
1. Yêu cầu đối với thông tin kế toán quản trị
Trên thực tế, căn cứ vào mục đích sử dụng của kế toán quản trị và kế toán tài chính có thể thấy kế toán quản trị có phần linh hoạt và sáng tạo hơn so với kế toán tài chính.
Tuy nhiên, thông tin kế toán quản trị cũng nên dựa trên những chuẩn mực nhất định để có thể làm căn cứ chính xác cho các quyết định kinh doanh.|
Do đó, doanh nghiệp có thể xây dựng bộ yêu cầu đối với thông tin kế toán quản trị dựa trên những chuẩn mực chung của kế toán.
Căn cứ theo Điều 5, Luật kế toán 2015, các yêu cầu đối với thông tin kế toán quản trị có thể dựa trên các yêu cầu kế toán nói chung như sau:
Thông tin kế toán quản trị cần phản ánh đầy đủ nghiệp vụ về kinh tế, tài chính của doanh nghiệp một cách tổng quát.
Phản ánh một cách kịp thời các thông tin kế toán cần thiết, đúng thời gian quy định của ban quản trị.
Thể hiện rõ ràng, trình bày dễ hiểu và chính xác các số liệu thông tin kế toán.
– Thể hiện được thực trạng, bản chất của tình hình tài chính trong hiện tại và đưa ra các dự báo về tương lai một cách chính xác và khách quan nhất.
– Thông tin kế toán quản trị cần được phân loại và sắp xếp khoa học, theo trình tự, hệ thống, bảo đảm sự thuận tiện trong việc so sánh và kiểm chứng.
Bộ tài chính hướng dẫn doanh nghiệp áp dụng kế toán quản trị.
2. Thông tư số 53/2006/TT-BTC hướng dẫn về các thông tin trong kế toán quản trị
Ngày 12/6/2006, Bộ tài chính ban hành thông tư số 53/2006/TT-BTC nhằm hướng doanh nghiệp áp dụng kế toán quản trị. Dưới đây là một số hướng dẫn chính về yêu cầu đối với thông tin kế toán quản trị:
2.1. Đối tượng sử dụng thông tin kế toán quản trị
Thông tin trong kế toán quản trị thường được sử dụng trong nội bộ doanh nghiệp. Đối tượng tiếp nhận thông tin kế toán quản trị là Ban lãnh đạo, những người tham gia quản lý, điều hành, gọi chung là quản trị các hoạt động sản xuất hay kinh doanh của doanh nghiệp.
2.2. Yêu cầu về việc công khai thông tin
Việc công khai các thông tin kế toán quản trị của doanh nghiệp là không bắt buộc, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác. Điều này được chỉ rõ tại Điểm b, Điều 1, Thông tư số 53/2006/TT-BTC, hướng dẫn doanh nghiệp áp dụng kế toán quản trị.
2.3. Đơn vị trong báo cáo quản trị
Tại Điểm c, Điều 1, Thông tư số 53/2006/TT-BTC, Bộ tài chính có hướng dẫn doanh nghiệp về đơn vị tính sử dụng trong kế toán quản trị như sau: Đơn vị tiền tệ, đơn vị hiện vật, thời gian lao động. Ngoài ra, doanh nghiệp có thể sử dụng các đơn vị tính khác để phù hợp với yêu cầu đối với thông tin kế toán quản trị của doanh nghiệp.
2.4. Nguyên tắc tổ chức hệ thống thông tin kế toán quản trị
Tuân theo hướng dẫn tại Tại Điểm d, Điều 1, Thông tư số 53/2006/TT-BTC, doanh nghiệp có toàn quyền quyết định việc sử dụng các thông tin kế toán tài chính, các loại sổ kế toán vào việc thiết kế, xây dựng lên mẫu báo cáo kế toán quản trị theo yêu cầu về các tiêu chí riêng của doanh nghiệp.
Doanh nghiệp không bắt buộc phải tuân thủ theo các nguyên tắc kế toán trong việc tổ chức hệ thống thông tin kế toán quản trị.
2.5. Thu thập, xử lý, sử dụng thông tin kế toán quản trị
Căn cứ Điều 3. Phần 1, Thông tư số 53/2006/TT-BTC, thông tin kế toán quản trị trong doanh nghiệp được sử dụng như sau:
– Thu thập và xử lý thông tin từ số liệu của kế toán doanh nghiệp theo từng thời kỳ.
– Kế toán quản trị có nhiệm vụ kiểm tra, giám sát các định mức, tiêu chuẩn và đưa ra các dự toán.
– Kế toán quản trị có nhiệm vụ cung cấp thông tin dựa trên yêu cầu quản trị nội bộ, thể hiện trên báo cáo kế toán quản trị.
– Ban lãnh đạo doanh nghiệp yêu cầu kế toán quản trị phân tích thông tin kế toán quản trị nhằm phục vụ cho việc lập kế hoạch và ra quyết định của doanh nghiệp.
Lựa chọn thông tin kế toán quản trị như thế nào?
3. Lựa chọn thông tin kế toán quản trị cho việc ra quyết định
Thông tin kế toán quản trị đóng vai trò quan trọng trong việc ra quyết định của ban quản trị doanh nghiệp. Quyết định phổ biến ở doanh nghiệp, gồm: Quyết định ngắn hạn và quyết định dài hạn.
3.1. Lựa chọn thông tin thích hợp cho việc ra quyết định ngắn hạn
Để đưa ra những quyết định ngắn hạn, kế toán doanh nghiệp cần lựa chọn thông tin kế toán quản trị theo các bước sau:
Bước 1: Kế toán quản trị thu thập những thông tin về chi phí, doanh thu liên quan đến các phương án kinh doanh cần đưa quyết định.
Bước 2: Xử lý lọc thông tin, loại bỏ các thông tin không phù hợp như các chi phí ngầm, chi phí giống nhau cả về số lượng, tính chất và doanh thu tương tự nhau của các phương án đang cân nhắc.
Bước 3: Xác định các thông tin thích hợp để đưa ra quyết định.
3.2. Lựa chọn thông tin thích hợp cho việc ra quyết định đầu tư dài hạn
Để cung cấp thông tin cho lãnh đạo ra quyết định đầu tư, kế toán quản trị của doanh nghiệp cần thực hiện các việc sau:
Bước 1: Phân loại thành 2 dạng quyết định gồm có tính sàng lọc và có tính ưu tiên.
Bước 2: Thu thập thông tin và phân loại thông tin vào nhóm phù hợp với loại quyết định dựa trên một số phương pháp sau:
+ Kỳ hoàn vốn.
+ Giá trị hiện tại ròng.
+ Tỷ lệ sinh lời điều chỉnh theo thời gian.
+ Chỉ số sinh lời điều chỉnh theo thời gian.
Bước 3: Đi đến quyết định lựa chọn phương án sau khi đã có thông tin thích hợp.
Như vậy, pháp luật hiện chưa có những yêu cầu nhất định đối với thông tin kế toán quản trị của doanh nghiệp.
Doanh nghiệp có thể toàn quyền quyết định, xây dựng các yêu cầu đối với thông tin kế toán quản trị của mình.
Đồng thời, doanh nghiệp cũng có thể tham khảo Thông tư số 53/2006/TT-BTC để được hướng dẫn về việc áp dụng thông tin kế toán quản trị.
CÔNG TY TNHH PHÁT TRIỂN DOANH NGHIỆP TÀI VƯỢNG
Mã số thuế: 0316956465
Địa chỉ 11A Hồng Hà, P.2, Q. Tân Bình, Hồ Chí Minh
SDT: 0772 0505 20 087 949 6970
FanPage: Kế Toán Tài Vượng Website: Ketoantaivuong.com